Kế Toán Hương Giang http://ketoanhuonggiang.com 0945.79.55.96 - [email protected] Nơi chia sẻ kiến thức, ươm mầm kế toán cho doanh nghiệp!
ĐC: 61 - Nguyễn Cảnh Hoan - P.Quán Bàu - Tp Vinh - Nghệ An, các bạn ở các tỉnh xa có thể học trực tuyến qua các bài viết trên website...

Kế toán kho

Hướng dẫn làm kế toán kho, kinh nghiệm làm kế toán kho

Quy trình và kinh nghiệm làm kế toán kho, cách hạch toán, cách xử lý kiểm kê tồn kho, phương pháp tính giá trị hàng tồn kho...

Các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho

Thứ Ba, 10:04SA 05/04/2016

Hàng tồn kho là gì? Hướng dẫn cách tính giá trị hàng tồn kho theo các phương pháp khác nhau như: Phương pháp bình quân gia quyền, thực tế đích danh, nhập trước, xuất trước, nhập sau xuất trước.

Các phương pháp tính giá trị hàng tồn kho

1. Hàng tồn kho là gì? Hàng tồn kho bao gồm:
 
- Hàng hóa mua về để bán: Hàng hóa tồn kho, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa gửi đi gia công chế biến;
- Thành phẩm tồn kho và thành phẩm gửi đi bán;
- Sản phẩm dở dang: Sản phẩm chưa hoàn thành và sản phẩm hoàn thành chưa làm thủ tục nhập kho thành phẩm;
- Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho, gửi đi gia công chế biến và đã mua đang đi trên đường;
- Chi phí dịch vụ dở dang.
 

2. Các phương pháp tính trị giá hang tồn kho :
- Phương pháp tính theo giá đích danh (thực tế đích danh)
- Phương pháp bình quân gia quyền;
- Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO)
- Phương pháp nhập sau, xuất trước (LIFO)
 
3. Ưu nhược điểm của từng phương pháp:
 
a. Theo phương pháp bình quân gia quyền: (Được sử dụng nhiều nhất)

- Giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của hàng tồn kho đầu kỳ và hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ, theo công thức sau:
 

Giá thực tế = Số lượng  x Giá trị trung bình

 
- Giá trị trung bình có thể được tính theo thời kỳ hoặc vào mỗi khi nhập một lô hàng về, phụ thuộc vào tình hình của doanh nghiệp. và được tính theo 3 phương pháp sau:
 

Theo giá bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ:

 
- Theo phương pháp này, thì đến cuối kỳ mới tính trị giá vốn của hàng xuất kho trong kỳ. Tuỳ theo kỳ dự trữ của DN áp dụng mà kế toán căn cứ vào giá mua, giá nhập, lượng hàng tồn kho đầu kỳ và nhập trong kỳ để tính giá đơn vị bình quân:
 

Giá trị trung bình cả kỳ dự trữ  =   Giá trị thực tế hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị thực tế hàng nhập kho trong kỳ
Số lượng hàng tồn kho đầu kỳ + Số lượng hàng nhập trong kỳ

 

Theo giá bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập:

 
- Sau mỗi lần nhập sản phẩm, vật tư, hàng hoá, kế toán phải xác định lại giá trị thực của hàng tồn kho và giá đơn vị bình quân. Căn cứ vào giá đơn vị bình quân và lượng xuất giữa 2 lần nhập kế tiếp để tính giá xuất theo công thức sau:
 

Giá trị trung bình sau mỗi lần nhập  =  Trị giá thực tế vật tư, SP, hàng hoá tồn kho sau mỗi lần nhập
Số lượngvật tư, SP, hàng hoá thực tế tồn kho sau mỗi lần nhập

 

Theo giá bình quân gia quyền cuối kỳ trước:

 
- Dựa vào trị giá và số lượng hàng tồn kho cuối kỳ trước, kế toán tính giá đơn vị bình quân cuối kỳ trước để tính giá xuất.
 

Giá trị trung bình cuối kỳ trước  =  Trị giá thực tế vật tư, SP, hàng hoá tồn kho cuối kỳ trước

Số lượng vật tư, SP,hàng hoá thực tế tồn kho cuối kỳ trước

 
b. Phương pháp nhập trước - xuất trước (FIFO):
 
- Phương pháp này áp dụng dựa trên giả định là hàng được mua trước hoặc sản xuất trước thì được xuất trước, và hàng còn lại cuối kỳ là hàng được mua hoặc sản xuất ở thời điểm cuối kỳ. Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.
 
Ưu điểm: Có thể tính được ngay trị giá vốn hàng xuất kho từng lần xuất hàng, do vậy đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời cho kế toán ghi chép các khâu tiếp theo cũng như cho quản lý. Trị giá vốn của hàng tồn kho sẽ tương đối sát với giá thị trường của mặt hàng đó. Vì vậy chỉ tiêu hàng tồn kho trên báo cáo kế toán có ý nghĩa thực tế hơn.
 
Nhược điểm: Làm cho doanh thu hiện tại không phù hợp với những khoản chi phí hiện tại. Theo phương pháp này, doanh thu hiện tại được tạo ra bởi giá trị sản phẩm, vật tư, hàng hoá đã có được từ cách đó rất lâu. Đồng thời nếu số lượng chủng loại mặt hàng nhiều, phát sinh nhập xuất liên tục dẫn đến những chi phí cho việc hạch toán cũng như khối lượng công việc sẽ tăng lên rất nhiều.
 
C. Phương pháp nhập sau - xuất trước (LIFO):
 
- Phương pháp này giả định là hàng được mua sau hoặc sản xuất sau thì được xuất trước, và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là những hàng được mua hoặc sản xuất trước đó. Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập sau hoặc gần sau cùng, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ.
 
- Như vậy với phương pháp này chi phí của lần mua gần nhất sẽ tương đối sát với trị giá vốn của hàng thay thế. Việc thực hiện phương pháp này sẽ đảm bảo được yêu cầu của nguyên tắc phù hợp trong kế toán. Tuy nhiên, trị giá vốn của hàng tồn kho cuối kỳ có thể không sát với giá thị trường của hàng thay thế
 
d. Phương pháp giá thực tế đích danh:
 
- Phương pháp này áp dụng đối với doanh nghiệp có ít mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được
 
- Theo phương pháp này sản phẩm, vật tư, hàng hoá xuất kho thuộc lô hàng nhập nào thì lấy đơn giá nhập kho của lô hàng đó để tính. Đây là phương án tốt nhất, nó tuân thủ nguyên tắc phù hợp của kế toán; chi phí thực tế phù hợp với doanh thu thực tế. Giá trị của hàng xuất kho đem bán phù hợp với doanh thu mà nó tạo ra. Hơn nữa, giá trị hàng tồn kho được phản ánh đúng theo giá trị thực tế của nó.
 
- Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này đòi hỏi những điều kiện khắt khe, chỉ những doanh nghiệp kinh doanh có ít loại mặt hàng, hàng tồn kho có giá trị lớn, mặt hàng ổn định và loại hàng tồn kho nhận diện được thì mới có thể áp dụng được phương pháp này. Còn đối với những doanh nghiệp có nhiều loại hàng thì không thể áp dụng được phương pháp này.
 


Đăng bởi: Giang Mèo
  • in
  • Lượt xem: 182K
Có bất cứ câu hỏi nào vui lòng gửi tại mục bình luận, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp mọi vướng mắc.
Hãy để lại bình luận nếu bạn có vướng mắc về bài viết.