Kế Toán Hương Giang http://ketoanhuonggiang.com 0945.79.55.96 - [email protected] Nơi chia sẻ kiến thức, ươm mầm kế toán cho doanh nghiệp!
ĐC: 61 - Nguyễn Cảnh Hoan - P.Quán Bàu - Tp Vinh - Nghệ An, các bạn ở các tỉnh xa có thể học trực tuyến qua các bài viết trên website...

Thuế thu nhập cá nhân

Hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân

Các hướng dẫn cấp mã số thuế thu nhập cá nhân, cách lập tờ khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2018 mới nhất

Thứ Sáu, 09:53SA 03/08/2018

Cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2018 mới nhất

Các khóa học tại trung tâm Kế toán Hương Giang (31/7/18)

Hướng dẫn cách tính thuế TNCN năm 2018 mới nhất, đối với các khoản thu nhập từ: Tiền lương, tiền công, phụ cấp của những cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động > 3 tháng và < 3 tháng.



I. Cách tính thuế TNCN đối với lao động cư trú > 3 tháng:

- Căn cứ để tính thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, kinh doanh là: Thu nhập tính thuế, thuế suất và được tính theo biểu lũy tiến từng phần.

- Các trường hợp tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần gồm: Hợp đồng lao động > 3 tháng (kể cả trường hợp ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại nhiều nơi, những cá nhân ký hợp đồng > 3 tháng nhưng nghỉ việc trước khi kết thúc hợp đồng lao động)

- Thời điểm tính thuế TNCN là thời điểm chi trả. VD: Trả lương tháng 12/2017 vào ngày 5/1/2018 thì tính thuế TNCN vào tháng 1/2/2018.

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân cụ thể như sau:
 

Thuế TNCN phải nộp    =  Thu nhập tính thuế  X  Thuế suất


TRONG ĐÓ:

A. Thu nhập tính thuế  =  Thu nhập chịu thuế  -  Các khoản giảm trừ
 
Trong đó:
1. Thu nhập chịu thuế    =   Tổng thu nhập   -   Các khoản được miễn thuế
 
1.1) Tổng thu nhập: Là tổng các khoản thu nhập bao gồm: Tiền lương, tiền công, tiền thù lao và các khoản thu nhập chịu thuế khác có tính chất tiền lương, tiền công, bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp...

 
1.2) Các khoản được miễn thuế bao gồm:

a) Tiền ăn giữa ca, ăn trưa không vựt quá: 730.000 đ/tháng (Trước ngày 15/10/2016 là: 680.000/ tháng) (Nếu DN tự nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn cho nhân viên thì sẽ được miễn toàn bộ, tức là không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)

VD: Công ty bạn chi phụ cấp tiền an ca là 750.000 đ/tháng. Thì được miễn 730.000, Còn (750.00 - 730.000 = 20.000 sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN).
- Công ty bạn chi phụ cấp ăn ca là 550.000 đ/tháng thì chỉ được miễn 550.000 thôi nhé)


b) Tiền phụ cấp trang phục không quá 5.000.000/năm.(Nếu bằng hiện vật thì được miễn toàn bộ).

VD: Công ty bạn chi tiền phụ cấp trang phục là 4.500.000/năm/người thì sẽ được miễn toàn bộ
- Nếu chi 5.500.000/năm/người thì được miễn 5.000.000/năm/người, còn (5.500.000 - 5.000.000 = 500.000 sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN).
- Nếu công ty bạn chi bằng hiện vật (Mua quần áo... về cho nhân viên) thì sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên.

c) Mức khoán chi phụ cấp điện thoại, công tác phí theo quy chế Cty:
"Theo khoản 2 điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
đ.4) 
Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp."

-> Hiện tại thì Luật thuế TNDN chưa quy định việc này. Nên khoản này được thực hiện theo quy định, quy chế của Công ty.


d) Tiền trả thay thuê nhà không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo)
Theo Công văn 801/TCT-TNCN ngay 2/3/2016:
"- Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế được tổng hợp tại Danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công, ban hành tại công văn số 1381/TCT-TNCN ngày 24/4/2014 của Tổng cục Thuế."


VD: Nhân viên A có tổng thu nhập chịu thuế là 10.000.000 (chưa bao gồm tiền thuê nhà) và công ty hỗ trợ trả thay tiền thuê nhà 5.000.000/tháng. Thì tính vào thu nhập chịu thuế tối đa là: 10.000.000 x 15% = 1.500.000 (Thu nhập được miến thuế = 5.000.000 - 1.500.000 = 3.500.000)

e) Tiền làm thêm giờ vào ngày nghỉ, lễ, làm việc ban đêm được trả cao hơn so với ngày bình thường.
VD: Làm ban ngày được 40.000 đ/h nhưng làm thêm giờ ban đêm được 60.000 đ/h. Thì thu nhập được miễn thuế là: 60.000 - 40.000 = 20.000đ/h.

f) Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN”.
-> Theo Luật thuế TNDN quy định thì: Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
- Những khoản phúc lợi khác các bạn tính vào thu nhập chịu thuế TNCN nhé.

Chú ý: Tất cả các khoản phụ cấp nếu trên phải được quy định rõ: ĐIỀU KIỆN HƯỞNG VÀ MỨC HƯỞNG trong quy chế của công ty hoặc hợp đồng lao động nhé.

 
2. Các khoản giảm trừ bao gồm:
 
+ Giảm trừ gia cảnh:
- Đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, 108 triệu đồng/năm.
- Đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.( Phải đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh)
 
+ Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Theo tỷ lệ năm 2017 như sau: BHXH (8%), BHYT(1,5%), BHTN (1%) và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biêt.

+ Các khoản đóng góp từ thiện , nhân đạo, khuyến học.
 
B. Thuế suất:

- Thuế suất thuế TNCN được áp dụng theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại: Phụ lục 01/PL-TNCN theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
 

Bậc Thu nhập tính thuế /tháng Thuế suất Tính số thuế phải nộp
Cách 1 Cách 2
1 Đến 5 triệu đồng (trđ) 5% 0 trđ + 5% TNTT 5% TNTT
2 Trên 5 trđ đến 10 trđ 10% 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ 10% TNTT - 0,25 trđ
3 Trên 10 trđ đến 18 trđ 15% 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ 15% TNTT - 0,75 trđ
4 Trên 18 trđ đến 32 trđ 20% 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ 20% TNTT - 1,65 trđ
5 Trên 32 trđ đến 52 trđ 25% 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ 25% TNTT - 3,25 trđ
6 Trên 52 trđ đến 80 trđ 30% 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ 30 % TNTT - 5,85 trđ
7 Trên 80 trđ 35% 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 tr 35% TNTT - 9,85 trđ

 
Sau đây Công ty Kế toán Hương Giang xin lấy 1 ví dụ để các bạn hình dung rõ hơn về cách tính thuế TNCN: 

Ví dụ: Ông Mạnh làm việc tại Công ty kế toán Hương Giang (hợp đồng lao động dài hạn). Tháng 1/2018 ông được nhận các khoản thu nhập như sau:
- Lương chính theo tháng: 19.000.000
- Tiền phụ cấp ăn trưa: 600.000
- Tiền thưởng lương tháng 13 năm 2017: 6.000.000
- Tiền phụ cấp xăng xe: 1.000.000
- Các khoản BH phải nộp: 19.000.000 x (8% + 1,5% + 1%) = 1.995.000
- Đăng ký người phụ thuộc 1 người con.

Cách tính thuế TNCN phải nộp tháng 1/2018 của Ông Mạnh như sau:

 
1. Tính thu nhập chịu thuế của Ông Mạnh:


Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn thuế:


- Tổng thu nhập = 19.000.000 + 600.000 + 6.000.000 + 1.000.000 = 26.600.000
- Các khoản được miễn = (Phụ cấp ăn trưa) = 600.000
=> Tính thu nhập chịu thuế = 26.600.000 - 600.000 = 26.000.000
 
2. Tính các khoản giảm trừ của Ông Mạnh:

- Bản thân = 9.000.000
- 1 người phụ thuộc = 3.600.000
- Các khoản bảo hiểm: = 1.995.000
=> Tổng các khoản giảm trừ = 9.000.000 + 3.600.000 + 1.995.000 = 14.595.000
 
3. Thu nhập tính thuế của Ông Mạnh là:


Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ

= 26.000.000 - 14.595.000 = 11.405.000

 
Như vậy: Thu nhập của ông Mạnh là thuộc Bậc 3"Trên 10 trđ đến 18 trđ"

Sau khi đã xác định thu nhập tính thuế của Ông Mạnh thì các bạn sẽ tính được số thuế TNCN mà Ông Mạnh phải nộp cụ thể như sau:

4. Tính thuế TNCN phải nộp của Ông Mạnh (Có 2 cách):

Cách 1: Tính theo cách phổ thông: 
- Tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần: (Các bạn nhìn vào Bảng thuế suất Phụ lục 01/PL-TNCN bên trên -> nhìn sang cột "Cách 1")

- Thu nhập tính thuế của Ông Mạnh là: 11.405.000 như vậy có 3 bậc như sau:
 
Bậc 1: Thu nhập tính thuế: (đến 5 triệu đồng) X thuế suất 5%:

= 5.000.000 × 5% = 250.000

Bậc 2: Thu nhập tính thuế: (trên 5 triệu đến 10 triệu) X thuế suất 10%:
= (10.000.000 – 5.000.000) × 10% = 500.000
Bậc 3: Thu nhập tính thuế: (trên 10 triệu đến 18 triệu) x thuế suất 15%:
(11.405.000 – 10.000.000) × 15% = 210.750
 
=> Số thuế TNCN Ông Mạnh phải nộp trong tháng 3/2017 là:

= 250.000 + 500.000 + 210.750 = 960.750


Cách 2: Tính theo phương pháp rút gọn (nên làm theo cách này):

- Ta có: Thu nhập tính thuế của Ông Mạnh là  11.405.000: -> Các bạn nhìn vào(Bậc 3 và Cột "Cách 2") trên bảng Phụ lục 01/PL-TNCN bên trên các bạn sẽ thấy: Thuộc bậc 3 (Trên 10 trđ đến 18 trđ )
 
- Theo công thức ở (Cột "Cách 2") ta sẽ có:

Số thuế TNCN phải nộp = 15% TNTT - 0,75 trđ 

= (15% X Thu nhập tính thuế) – 750.000

= (15% x  11.405.000) - 750.000 = 960.750



Chú ý: Kê khai thuế TNCN theo quý:
- Nếu DN bạn kê khai thuế TNCN theo quý và toàn bộ người lao động đều thuộc diện khấu trừ thuế theo biểu lũy tiến thì số thuế TNCN của quý được xác định bằng tổng số thuế TNCN đã khấu trừ theo biểu lũy tiến của từng tháng cộng lại. (Theo Công văn 78393/CT-TTHT ngày 4/12/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội)
 

- Sau khi đã tính được số thuế TNCN phải nộp ta tiến hành kê khai, chi tiết các bạn xem tại đây: 
 

Khoản tiền trợ cấp khi nhân viên nghỉ việc:

Trường hợp Công ty theo trình bày khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ngoài khoản tiền trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động (được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công), Công ty còn chi trả cho người lao động các khoản tiền trợ cấp phát sinh trong tháng cuối cùng trước khi nghỉ, ngày phép còn lại, các khoản tiền thưởng theo thỏa thuận giữa Công ty và người lao động thì các khoản tiền này thuộc thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.

- Nếu Công ty chi trả cùng với tiền lương tháng cuối cùng của người lao động làm việc thì Công ty có nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phầntrên tổng thu nhập tính thuế. Nếu Công ty chi trả sau khi cá nhân đã chấm dứt hợp đồng lao động, không còn làm việc tại Công ty thì khi chi trả cho cá nhân Công ty tính khấu trừ thuế 10% trên tổng mức chi trả từ 2 triệu đồng trở lên.

(Công văn số 7595/CT-TTHT ngày 10/8/2017 của Cục Thuế TP. HCM)
 

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Ngân hàng và người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (từ 03 tháng trở lên), Ngân hàng thực hiện trả lương và các khoản hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động thì:
    + Các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng không chịu thuế TNCN.
    + Các khoản tiền lương, tiền công, tiền phụ cấp, trợ cấp chịu thuế TNCN, Ngân hàng thực hiện khấu trừ theo biểu lũy tiến từng phần và cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của người lao động.

Các nội dung trong Thư xác nhận thu nhập, Ngân hàng tự thỏa thuận với người lao động đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan. 

Theo Công văn 2733/CT-TTHT ngày 18/01/2018 của Cục thuế Hà Nội


Quà trúng thưởng tết tất niên cho nhân viên:

- Trường hợp Công ty tổ chức chương trình rút thăm may mắn để tặng quà cho nhân viên trong tiệc tất niên thì giá trị trúng thưởng phải cộng vào tiền lương để tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến.

(Công văn số 4991/CT-TTHT ngày 1/6/2017 của Cục Thuế TP. HCM)


II. Cách tính thuế TNCN lao động < 3 tháng (Thời vụ):

- Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

VD: Công ty bạn ký hợp đồng lao động với 1 nhân viên A thời gian là 2 tháng, mỗi tháng trả thu nhập 3.000.000 và phụ cấp tiền ăn là 300.000 (Trương hợp lao động thời vụ thì tiền ăn ca không được miễn giảm thuế TNCN nhé)

Cách tính thuế TNCN lao động thời vụ như sau:

Thuế TNCN phải nộp = (3.000.000 + 300.000) X 10% = 330.000

=> Khi khấu trừ thuế TNCN của họ: Cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ cho mỗi lần khấu trừ thuế hoặc cấp một chứng từ khấu trừ cho nhiều lần khấu trừ thuế trong một kỳ tính thuế.

- Nếu cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết(theo mẫu 02/CK-TNCN theo Thông tư 92) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

->Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

- Cá nhân làm cam kết 02/CK-TNCN phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

ketoanhuonggiang.com
Đăng bởi: Giang Mèo
  • in
  • Lượt xem: 49K
Có bất cứ câu hỏi nào vui lòng gửi tại mục bình luận, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp mọi vướng mắc.
Từ khóa: Giang meo
Hãy để lại bình luận nếu bạn có vướng mắc về bài viết.