Kế Toán Hương Giang http://ketoanhuonggiang.com 0945.79.55.96 - [email protected] Nơi chia sẻ kiến thức, ươm mầm kế toán cho doanh nghiệp!
ĐC: 61 - Nguyễn Cảnh Hoan - P.Quán Bàu - Tp Vinh - Nghệ An, các bạn ở các tỉnh xa có thể học trực tuyến qua các bài viết trên website...

Kế toán bán hàng

Hướng dẫn kế toán bán hàng, hạch toán giá vốn

Hướng dẫn các kế toán bán hàng biết cách hạch toán thực tế, hàng bán trả chậm trả góp, hạch toán chiết khấu thương mại...

Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo thông tư 200 và thông tư 133

Thứ Tư, 05:12CH 16/05/2018

Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo thông tư 200 và thông tư 133

Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo thông tư 200 và thông tư 133
hình ảnh minh họa

Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo thông tư 200 và thông tư 133

Thủ tục cần có đối với hàng bán bị trả lại; Cách viết hóa đơn hàng bán bị trả lại; Cách hạch toán hàng bán bị trả lại tại bên mua và bên bán theo thông tư 200 và thông tư 133. Mời các bạn theo dõi bài viết sau của Kế Toán Hà Nội.

Hàng hóa bị khách hàng trả lại thường do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.

1. Thủ tục cần có đối với hàng bán bị trả lại bao gồm:

– Hai bên lập và ký: Biên bản ghi nhận lý do hàng trả lại và Biên bản giao nhận hàng trả lại.

– Bên trả lại hàng:

+ Nếu bên mua là đối tượng có hóa đơn: Lập Phiếu xuất kho trả lại hàng và lập Hoá đơn trả lại hàng cho bên giao hàng (ghi giá theo lúc mua).

+ Nếu bên mua là đối tượng không có hóa đơn (cá nhân không kinh doanh): Ký vào Biên bản trả lại hàng và thu hồi hóa đơn của bên bán.

– Bên nhận hàng trả lại: Lập phiếu nhập kho hàng trả lại.

2. Cách lập hóa đơn hàng trả lại:

Tại Điểm 2.8, Phụ lục 4, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ tài chính, quy định:

“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).

Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.”

Theo quy định trên thì:

– Trường hợp 1: Nếu người mua là đối tượng có hóa đơnKhi trả lại hàng người bán lập hóa đơn hàng bán trả lại, trên hoá đơn phải ghi rõ: “Hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có)” và bên bán không cần thu hồi hóa đơn đã lập.

– Trường hợp 2: Nếu người mua là đối tượng không có hóa đơn: Khi trả lại hàng, 2 bên phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán phải thu hồi hóa đơn đã lập.

Ví dụ trường hợp 1 (nếu người mua là đối tượng có hóa đơn):

– Công ty TNHH Thành Gia Luật bán hàng cho Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội, hóa đơn như sau:

– Ngày 20/6/2017Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội phát hiện có 02 bộ máy tính bị lỗi, không dùng được và trả lại cho công ty TNHH Thành Gia Luật.

►Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội lập hóa đơn trả lại hàng cho Công ty TNHH Thành Gia Luật như sau:

Ví dụ trường hợp 2 (nếu người mua là đối tượng không có hóa đơn):

Ngày 5/5/2017, Công ty TNHH Thành Gia Luật xuất bán hàng cho bà Nguyễn Thị Xuân Thương, với hóa đơn như sau:

Ngày 10/5/2017, bà Thương phát hiện màn hình bị mờ, bà Thương trả lại màn hình, 2 bên thực hiện: Lập Biên bản trả lại hàng và thu hồi hóa đơn như sau:

 

 

3. Cách hạch toán hàng bán bị trả lại theo thông tư 200 và thông tư 133.

● Nếu doanh nghiệp sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200 thì hạch toán khoản Hàng bán bị trả lại vào TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (chi tiết Tài khoản 5212 – Hàng bán bị trả lại) và cuối kỳ kế toán, kết chuyển tổng số Hàng bán bị trả lại (TK 5212 ) phát sinh trong kỳ sang tài khoản 511 – “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, ghi:

Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5212).

● Nếu doanh nghiệp sử dụng chế độ kế toán theoThông tư 133 thì hạch toán khoản Hàng bán bị trả lại vào bên nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết theo TK cấp 2 phù hợp) và cuối kỳ kế toán không cần phải kết chuyển sang TK 511 vì khi phát sinh Hàng bán bị trả lại đã hạch toán vào bên Nợ TK 511.

3.1. Đối với bên bán (Bên bị trả lại hàng):

a) Khi bán hàng cho khách hàng: Căn cứ vào hóa đơn bán hàng và chứng từ liên quan kế toán phản ánh như sau:

– Phản ánh doanh thu bán hàng, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131

Có TK 511: Doanh thu bán hàng theo giá bán chưa thuế

Có TK 333: Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

– Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có các TK 155,156,…: Trị giá thực tế hàng xuất bán

b) Khi nhận được hàng bán trả lại: Căn cứ vào hóa đơn trả lại hàng, các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh như sau:

– Phản ánh giá vốn hàng bán bị trả lại, ghi:

Nợ các TK 155,156,…Trị giá thực tế hàng xuất bán (giá vốn khi bán)

Có TK 632: Trị giá vốn của hàng bị trả lại

– Phản ánh doanh thu của hàng bán bị trả lại, ghi:

Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại (nếu công ty áp dụng Thông tư 200)

Nợ TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (nếu công ty áp dụng Thông tư 133)

Nợ TK 333: Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước: Số tiền thuế được điều chỉnh giảm tương ứng với trị giá hàng bán bị trả lại

Có TK 111, 112, 131: Tổng số tiền hàng bán bị trả lại.

Lưu ý:Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu, doanh thu hàng bán bị trả lại bao gồm cả thuế phải nộp.

–  Nếu có các chi phí liên quan trong quá trình trả lại hàng:

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (theo TT 200)

Nợ TK 6421 – Chi phí bán hàng (theo TT133)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112. . .

3.2. Đối với bên mua (Bên trả lại hàng):

a) Khi mua hàng: Căn cứ vào hóa đơn mua hàng, chứng từ liên quan, ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, …

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331.

b) Khi trả lại hàng: Căn cứ vào hóa đơn trả lại hàng, các chứng từ liên quan, ghi:

Nợ các TK  111, 112, 331:  Tổng trị giá hàng trả lại

Có các TK 152, 153, 156 …: Trị giá hàng trả lại (theo trị giá lúc mua – giá chưa thuế)

Có TK 133 -Thuế GTGT được khấu trừtương ứng với trị giá hàng trả lại.

Lưu ý: Nếu doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì trị giá hàng mua, trị giá hàng trả lại bao gồm cả thuế GTGT.

4. Ví dụ cách hạch toán hàng bán bị trả lại:

Quay lại Ví dụ trường hợp 1 (nếu người mua là đối tượng có hóa đơn):

–  Với giả thiết rằng công ty TNHH Thành Gia Luật là công ty kinh doanh thương mại, giá vốn Máy tính HP là 7.000.000 đ/bộ

– Bên mua chưa thanh toán tiền cho bên bán, trị giá hàng trả lại được đối trừ vào công nợ,

– Công ty TNHH Kế Toán Hà Nội mua máy tính về nhập kho với mục đích làm công cụ giảng dạy (chưa xuất dùng).

►Kế toán của 2 công ty hạch toán như sau:

Công ty TNHH Thành Gia Luật ( bên bán – bên bị trả lại hàng):

● Khi bán hàng:

Căn cứ vào hóa đơn bán hàng số 0000126, ngày 15/6/2017 và phiếu xuất kho:

– Phản ánh doanh thu bán hàng, ghi:

Nợ TK 131 (chi tiết KTHN): 55.000.000 đ

Có TK 511: 50.000.000 đ

Có TK 33311: 5.000.000 đ.

– Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:

Nợ TK 632: 5 bộ x 7.000.000 đ = 35.000.000 đ

Có TK 156: 5 bộ x 7.000.000 đ = 35.000.000 đ.

● Khi nhận hàng trả lại:

Căn cứ vào hóa đơn trả lại hàng số 0000106, ngày 20/6/2017 và phiếu nhập kho phản ánh:

– Phản ánh giá vốn hàng bán bị trả lại, ghi:

Nợ TK 156: 2 bộ x 7.000.000 đ = 14.000.000 đ

Có TK 632: 2 bộ x 7.000.000 đ = 14.000.000 đ.

– Phản ánh doanh thu của hàng bán bị trả lại, ghi:

Nợ TK 5212 (nếu công ty áp dụng Thông tư 200): 2 bộ x 10.000.000 đ = 20.000.000 đ

Nợ TK 511 (nếu công ty áp dụng Thông tư 133): 2 bộ x 10.000.000 đ = 20.000.000 đ

Nợ TK 33311: 2.000.000 đ.

Có TK 131 (chi tiết KTHN): 22.000.000 đ.

CÔNG TY TNHH KẾ TOÁN HÀ NỘI (Bên mua – bên trả lại hàng)

● Khi mua hàng: Căn cứ vào hóa đơn mua hàng số 0000126, ngày 15/6/2017 và phiếu nhập kho, ghi:

Nợ TK 153 (chi tiết máy tính HP): 5 bộ x 10.000.000 đ = 50.000.000 đ

Nợ TK 1331: 5.000.000 đ

Có TK 331 (chi tiết TGL): 55.000.000 đ.

● Khi trả lại hàng: Căn cứ vào hóa đơn trả lại hàng số 0000106, ngày 20/6/2017, phiếu xuất kho, ghi:

Nợ TK 331(chi tiết TGL):  22.000.000 đ

Có TK 153: 2 bộ x 10,000,000đ = 20.000.000 đ

Có TK 1331: 2.000.000 đ.

giangmeo
Đăng bởi: Giang Mèo
  • in
  • Lượt xem: 64K
Có bất cứ câu hỏi nào vui lòng gửi tại mục bình luận, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp mọi vướng mắc.
Hãy để lại bình luận nếu bạn có vướng mắc về bài viết.